Theo thống kê chính thức từ Trung tâm Cân bằng thời gian giữa gia đình và công việc kiếm sống (OPE) công bố hôm 10/6 cho thấy, 68% những người đi làm than vãn rằng mình thiếu thời gian (2014).
Đến năm 2015, con số đã tăng tới 93% số người được hỏi coi việc cân bằng thời gian riêng tư và công việc là một vấn đề quan trọng. Tại sao lại như vậy?
Bài học của tôi
Sau rất nhiều năm lăn lộn ngang dọc với nhiều công việc, đủ thứ nghề ở các vị trí khác nhau. Từ bán hàng, quản lý đội nhóm bán hàng, chủ kinh doanh nhà hàng cho đến CEO, diễn giả đào tạo về phát triển con người. Cuối cùng tôi tìm được 2 chữ quan trọng và khó làm nhất trong cuộc sống của mình: CÂN BẰNG.
Khi mới bắt đầu sự nghiệp, bạn sẵn sàng dành toàn bộ thời gian, sức lực, đam mê của mình cho công việc. Rồi đến lúc làm chủ hoặc bắt đầu sở hữu một đội nhóm của riêng mình và phải ở vị trí đứng mũi chịu sào, yêu cầu dành cho công việc cũng lớn hơn và thế là bạn nhận thấy như có ai đó “đánh cắp” thời gian của mình.
Mỗi năm, hàng trăm công ty start-up ra đời và tỉ lệ thuận với đó là tổng số thời gian các chủ doanh nghiệp phải bỏ ra để đáp ứng nhu cầu phát triển. Theo thống kê, khoảng hơn 70% thời gian của chủ doanh nghiệp start-up dành cho các công việc tại công ty. Con số này cho thấy, để tìm ra sự thăng bằng của 4 yếu tố gia đình, sự nghiệp, bạn bè và sức khỏe là điều không phải ai cũng dám “đánh cược” mình làm được.
Sống bận rộn hay sống thành công?
Cuộc sống của khá nhiều người đang diễn ra theo mô tuýp: Thời gian dành cho gia đình, bạn bè, bản thân vốn ít ỏi nay được thay bằng thời gian trên bàn nhậu, những cuộc hẹn với đối tác, với công văn, giấy tờ, họp cổ đông, hội thảo,… Bạn không sai, nhưng cần xác định lại bạn đang sống cuộc sống thành công hay thực chất chỉ là một cuộc sống bọc vỏ sự bận rộn?
Trước đây, một số người bạn của tôi than vãn về công việc kinh doanh của họ không tốt, không phát triển hay gặp khó khăn trong cuộc sống. Trải qua một vài năm, gặp lại nhau lý do than vãn của họ là công ty phát triển nhưng lại không có nhiều thời gian cho gia đình hay bạn bè,…
Tôi nhận thấy, rất nhiều người thích phàn nàn và kêu ca về cuộc sống của họ. Ít việc thì họ kêu nhàm chán, khối lượng công việc nhiều thì kêu áp lực, mệt mỏi. Hay như công việc kinh doanh dậm chân tại chỗ thì than khó khăn, doanh nghiệp phát triển thì họ nói rằng không có thời gian cho gia đình, bản thân.
Điều này làm tôi nhớ tới một câu nói: “Đứng trước khó khăn, bạn chỉ có 2 lựa chọn: hoặc cố ngụy biện, hoặc cố thành công”.Và dường như phần lớn mọi người đều lười thành công và chọn phương án ngụy biện về cuộc sống của mình.
Một câu hỏi thú vị: Nếu không có thời gian để làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, bạn đang dành thời gian cho điều gì?
Tôi hiểu ra rằng…
Ai cũng chỉ có một ngày 24 tiếng, nếu người khác có thể gặt hái thành tựu còn bạn thì không thì có lẽ mấu chốt một phần nằm ở việc bạn đã hài lòng quá sớm với những thứ đã có hoặc bạn chưa thực sự tìm thấy 2 chữ Cân bằng.
Sống cân bằng không có nghĩa là bạn chia đủ quỹ thời gian của mình cho 4 yếu tố quan trọng: ¼ thời gian cho công việc, ¼ cho gia đình, ¼ cho bạn bè, ¼ còn lại cho bản thân. Bởi nếu làm phép tính cân bằng như vậy là điều không tưởng. Cân bằng ở đây chính là việc học cách chủ động sắp xếp cuộc sống của mình một cách khoa học, hợp lý và hài hòa.
Bạn có tin rằng, để sống cân bằng cũng cần phải học và có phương pháp rèn luyện hiệu quả? Việc trước tiên bạn cần làm là hiểu hết những vấn đề khó khăn bạn đang gặp phải, có phương pháp phù hợp và bắt tay vào “thu vén” cuộc sống của mình.
Bản thân tôi có may mắn được chia sẻ một số bí quyết sống cân bằng cho mọi người tại Wake Up – chương trình dành cho các chủ doanh nghiệp, quản lý và những người mong muốn tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống. Đó có thể là sự cân bằng giữa thời gian dành cho gia đình, công việc; sự cân bằng về tài chính, tiền bạc hay sự cân bằng trong đam mê và ý tưởng.
“Nhà vô địch không phải là người sở hữu chiếc xe có động cơ nhanh nhất, cũng không phải là kẻ tìm được những con đường tắt để đi. Người đó đơn thuần là người biết sử dụng thời gian để biết khi nào nên đi nhanh, khi nào đối diện với những khúc cua và khi nào cần đạp phanh để cán đích”. Cuộc sống không phải cũng vậy sao?
Theo Trí thức trẻ