Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn cho rằng chỉ cần làm ra sản phẩm với chất lượng tốt là đủ, tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là quan điểm sai lầm, bởi nếu doanh nghiệp có sản phẩm tốt, nhưng không quan tâm tới bao bì, nhãn mác, tạo dựng thương hiệu riêng, thì người tiêu dùng vẫn “dửng dưng” và mọi cố gắng của doanh nghiệp vẫn là trắng tay.

Chị Lan (Từ Liêm, Hà Nội), cho biết, mỗi lần bóc chai tương ớt là chị thường phải dùng con dao cực sắc và lấy hết sức lực thì mới chặt được cái đầu nhựa phía trong nắp. “Tôi phải cưa qua cưa lại cũng vài lần mới mở được nắp chai”. chị Lan nói.
Còn một khách hàng khác thì lại than phiền là nhiều sản phẩm của Việt Nam sản xuất như ly, chén, muỗng,… Dùng tới khi trầy xước mà miếng dán giá, tem nhãn vẫn chưa bung hết keo.

Bao bì không chỉ… để gói

Theo ông Brian Richard, Giám đốc công ty bao bì toàn cầu Mead Westvaco Corporation (MWV): “Bao bì ảnh hưởng rất nhiều tới quyết định lựa chọn và mua của khách hàng. Đa số người tiêu dùng rất coi trọng hình thức, mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói và đây được coi là một trong những thách thức lớn đối với các thương hiệu”.

Bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhân tố quan trọng trong việc thể hiện hình ảnh hệ thống nhận diện thương hiệu. Đây cũng được xem là phương tiện hữu ích để doanh nghiệp (DN) cung cấp thông tin về sản phẩm (hạn sử dụng, nơi sản xuất, thành phần sản phẩm) cho người tiêu dùng.
Một số khách hàng cho rằng, do các DN Việt Nam chưa hiểu được tầm quan trọng của bao bì và đóng gói sản phẩm, vốn là yếu tố ảnh hưởng tới ấn tượng ban đầu của người tiêu dùng về sản phẩm nên mới có chuyện dược phẩm dạng kem lỏng chứa trong tuýp do Việt Nam sản xuất ít khi nào thấy có đinh nhỏ trên nắp nhựa để đục lỗ được hàn kín của tuýp kem. Nắp nhựa chai lọ đồ uống thì không đủ độ bám và quá cứng để mở. Mô tả thành phần dinh dưỡng khi có khi không trên nhãn mác, khiến người tiêu dùng hoài nghi, mập mờ về nguồn gốc sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay vẫn cho rằng chỉ cần làm ra sản phẩm tốt là đủ

Một khách hàng ở nước ngoài còn phàn nàn: “Tôi rất thích mua đồ Việt Nam nhưng đa phần rất bực mình khi mở bao, kể cả mở nắp chai. Một số bao bì thì chưa mở đã hư. Chẳng hạn như gói kẹo mè xửng Huế, chưa mở ra nhưng kiến đã vô đầy trong bao rồi”.

tr5-20150730-22074000

Ông Calvin P.Tran, Tổng Giám đốc kinh doanh UIMEX Mỹ tại Đông Nam Á, Chủ tịch Phòng Thương mại người Việt Nam tại Mỹ, cho biết: “Bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhân tố quan trọng trong việc thể hiện hình ảnh hệ thống nhận diện thương hiệu. Đây cũng được xem là phương tiện hữu ích để DN cung cấp thông tin về sản phẩm (hạn sử dụng, nơi sản xuất, thành phần sản phẩm) cho người tiêu dùng. Ngoài ra, thiết kế bao bì sản phẩm đẹp cũng thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của DN”.

Các chuyên gia marketing cũng cho rằng chất lượng là yếu tố quyết định thương hiệu của sản phẩm nhưng bao bì, nhãn mác chiếm một phần quan trọng trong việc kinh doanh. Vô số mặt hàng tương tự nhau, trong khi chưa biết chất lượng ra sao nhưng sản phẩm của DN nào có bao bì, nhãn mác ấn tượng, tiện lợi sẽ chiếm ưu thế.

Thương hiệu tốt nhờ bao bì đẹp!

Dẫn một khảo sát được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) thực hiện, bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết thực tế mảng phát triển thị trường và nghiên cứu phát triển sản phẩm hầu như không được DN quan tâm và đề cập trong chiến lược dài hạn của mình. Do đó, việc đánh giá và đo lường ảnh hưởng của bao bì, nhãn mác, xu hướng tiêu dùng để xây dựng và quảng bá thương hiệu cho DN là việc làm cần thiết.

nganh bao bi-20150730-22070530

Đặc biệt, về vấn đề này, ông Calvin P. Tran cho rằng, để đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, DN cần tìm được đại lý và nhà phân phối, quan hệ tốt với tất cả các công ty nào quen biết, tự mở công ty hoặc tìm đối tác, cũng như hợp tác với công ty chuyên về xuất nhập khẩu… Đối với hàng hóa xuất khẩu, chức năng vận chuyển, bảo quản của bao bì rất quan trọng. Đặc biệt nếu hàng hóa phải trải qua một chặng đường khá dài để đến tay người tiêu dùng cuối cùng ở thị trường mục tiêu.

Do vậy, theo ông Calvin P. Tran, bao bì cần phù hợp với loại hình vận chuyển (tàu biển, máy bay, xe tải, hàng rời, hàng container,…). Kích thước phù hợp để dễ dàng trong việc lưu kho bãi, trên những pallet hoặc trong container, đáp ứng được yêu cầu về độ bền, dẻo dai để chịu được sự va chạm, kéo, đẩy trong quá trình lưu trữ, bốc xếp và vận chuyển…

Tuy nhiên, ông Calvin P. Tran cũng cho biết, các DN Việt Nam thường có xu hướng sử dụng chung một loại bao bì đang lưu hành trên thị trường nội địa để xuất khẩu. Nếu không xem xét cẩn trọng, việc này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như bị khách hàng từ chối lô hàng, không trả hoặc chậm trả tiền hàng vì khách hàng hoặc chính phủ của nước nhập khẩu bắt buộc nhà xuất hàng phải khắc phục lỗi đã gây ra, bị đóng phạt, quan trọng hơn là việc này đã làm xấu đi hình ảnh đối với khách hàng.

Do vậy, trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa, một trong những vấn đề ưu tiên mà nhà xuất khẩu cần lưu ý là nắm rõ các quy định về ngành hàng, sản phẩm mà mình cần xuất khẩu.

Tuy nhiên, chuyên gia Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý kinh tế Economica Việt Nam, cho biết khi ông khi đi thực tế hai DN sản xuất gạo xuất khẩu lớn ở An Giang là Công ty cổ phần Hưng Lâm (thành phố An Giang) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thịnh Phú (thị xã Tân Châu) thì được biết DN chủ yếu chỉ xuất hàng qua mạn tàu (FOB).

“Bao bì sản phẩm của Hưng Lâm rất đẹp, nhưng không có chữ Hưng Lâm nào mà hoàn toàn do đối tác nước ngoài đặt in, tự phân phối. Sản phẩm của Thịnh Phú thì có ghi “Product of Vietnam”, nhưng cũng chẳng có chữ Thịnh Phú nào. Điều này cho thấy vì không quan tâm tới bao bì khi xuất khẩu nên các DN đã mất trắng thương hiệu của mình khi xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Dũng nhận xét.

Ông Dũng cũng nêu ra “một sản phẩm khác rất phổ biến ở An Giang cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ấy là cá tra. Chẳng thế mới có chuyện ở một vùng đất trù phú trên là lúa gạo, dưới là tôm cá như An Giang mà vẫn có nhiều DN “treo ao”. Điều này, một lần nữa khẳng định các DN Việt mặc dù có sản phẩm tốt, nhưng chưa thể xây dựng được thương hiệu riêng, một phần do thiếu chú trọng thiết kế, bao bì mẫu mã riêng biệt”.

Ông Kim Hyeonjoo, Giám đốc Hiệp hội các doanh nghiệp thiết kế Hàn Quốc (KDFA), Giám đốc Công ty Sam Partners (Hàn Quốc)
——————————-
Bao bì không chỉ giúp người tiêu dùng có được những thông số cụ thể, chính xác các loại sản phẩm định mua, mà còn giúp bảo quản chất lượng hàng hoá trong quá trình vận chuyển và tiêu dùng. Đặc biệt, bao bì sẽ giúp tạo dựng thương hiệu, tính đặc thù riêng của từng loại hàng hoá, từng quốc gia. Vì vậy, cần đưa những hình ảnh mang tính văn hoá dân tộc, tính khoa học, tính tiện dụng một cách hài hoà để tạo sự thích thú cho người tiêu dùng.

Chia sẻ: